“Phu trầm” có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua. Bởi, nó liên quan tới vụ án mạng kinh hoàng vừa xảy ra tại Quảng Bình cách đây chưa lâu.
Xem nhanh
Để rõ hơn những cuộc săn tìm trầm ngày xưa và cuộc sống của các phu trầm, NHANG THIỀN xin giới thiệu bài về phận đời may rủi của họ. Nhiều người đã phải bỏ xác nơi rừng thiêng vì bệnh tật, cũng có người bị thú dữ xẻ thịt làm mồi. Lại có người mất mạng vì những tên cướp khi tìm được trầm hương…
Vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, vùng đất Bình - Trị - Thiên được mệnh danh là xứ sở của “vàng đen”. Đó là lý do tại sao nhà nhà, người người lúc bấy giờ đều đổ xô vào rừng tìm kiếm trầm hương như một nghề thời thượng. Đường tìm trầm là chặng đường gian khổ, đầy máu và nước mắt. Nhiều người đã phải bỏ lại mạng sống của mình giữa rừng xanh bạt ngàn khi chưa kịp hoàn thành giấc mơ trúng trầm.
Trước năm 1975, đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh loạn lạc. Quá cơ khổ, người ta bắt đầu nghĩ đến việc vào rừng kiếm kế sinh nhai và cuộc chiến với rừng xanh để tìm kiếm trầm hương như là một điểm sáng ở cuối con đường hầm tăm tối. Khởi nguồn, một số nhà buôn xuất hiện kêu gọi người dân vào rừng tìm trầm, các thương lái sẽ cung cấp nhu yếu phẩm như cơm, gạo, mắm, muối. Đổi lại, người đi rừng nếu trúng trầm sẽ phải bán hàng cho họ. Cuộc chiến săn tìm trầm hương ở rừng xanh xuất hiện từ thời phong kiến và trải dài cho đến thời thực dân Pháp.
Ông Lê Văn Tám, một trong những người săn trầm hương kỳ cựu thời ấy cho biết, “Hồi ấy Xứ Hương Thọ này là vùng tiên phong trong việc đi trầm. Sau này, có nhiều người kiếm được tiền nhờ trúng trầm, dân ở các vùng lân cận mới bắt chước đi theo”. Ông Tám còn nói thêm: “Khi chúng tôi theo dấu trầm hương ra các vùng rừng núi ở xứ Nghệ An – Hà Tĩnh, dân ở đó vẫn chưa biết gì về việc khai thác trầm hương, họ nhìn chúng tôi làm, đi theo chúng tôi để học hỏi và bắt chước”.
Nhớ lại thời ấy, nhiều người săn trầm cừ khôi một thời, giờ đã trở thành các ông lão với mái tóc bạc trắng đã phải tặc lưỡi tự khâm phục chính mình. Bởi, họ không thể hiểu tại sao thời ấy lại có nhiều sức khỏe để chịu đựng được những gian khó ghê gớm ấy. Với chiếc ba lô nặng vài chục ký trên vai, người “đi rú” (đi rừng) lùng sục khắp núi cao, vực sâu, băng rừng vượt núi ngày này qua ngày khác để tìm kiếm sự sinh tồn. Với họ thời ấy, vào rừng tìm trầm hương là thứ ánh sáng duy nhất để bảo tồn sự sống cho gia đình mình. Nhưng để mua được sự sống, có khi họ phải bán cả sinh mạng của chính mình.
Những người “đi rú” không bao giờ đi một mình. Thường thì anh em trong gia đình dòng họ hoặc bà con xóm làng rủ nhau lập thành một nhóm để cùng đi, họ gọi là “xâu”. Một xâu ít nhất phải có 3 người. Lý giải cho con số 3 đó rất đơn giản, bởi, nếu chẳng may một người bệnh, sẽ có hai người để gánh.
Có rất nhiều người đã mãi mãi ở lại chốn rừng xanh. Họ có thể chết vì ăn trúng các loài nấm độc, chết vì những cuộc vượt thác nguy hiểm mà người ta gọi “khôn sống, mống chết”. Hay đơn giản mất mạng vì trong quá trình đốn hạ trầm bị cây đập trúng…. Làn ranh giữa sự sống và cái chết rất mỏng manh, nhưng với họ để tìm được trầm, gian khó hay hiểm nguy không phải là điều mà họ quan tâm.
Ông Lê Văn Tám tâm sự rằng: nếu không có những chuyến đi gian khổ thời ấy, ông không thể nuôi nổi đàn con nheo nhóc của mình. Không có những chuyến đi trúng đậm như những người khác, nhưng chính nhờ trầm hương mà gia đình ông có cái ăn cái mặc. Do vậy, những gian khổ của hành trình săn tìm trầm chẳng sá gì so với những nụ cười của các con ông, sự kỳ vọng của vợ ông.
Thêm vào đó, thời ấy trong rừng, hổ, báo nhiều vô kể. Chuyện di chuyển trong rừng gặp hổ báo đi sau lưng hoặc chạy trước mặt không phải là chuyện hiếm. Họ kể rằng, đêm nằm ngủ có thể nghe tiếng mang tác bên tai, hổ đi ngang dưới chân mà không hay biết. Ngày vượt rừng, trăn, rắn thường tranh lối mà băng ngang trước mặt. Trên đường, đạp lên dấu chân của hổ, báo mà đi.
Vượt qua suối khi nước khe vẫn còn đục ngầu chưa kịp chảy bởi hổ vừa mới lội qua… Ông Nghiên cho biết “Hồi ấy khu vực rừng núi Sông Bồ (Thừa Thiên Huế), cọp (hổ) nhiều lắm, tụi tui đi lên rừng nhưng chẳng có vũ khí gì trơn, cứ liều đi thôi. Những người dân tộc sống ở đó nhìn tụi tui mà lắc đầu, họ bảo: họ có súng nhưng chẳng dám vào núi sâu, vậy mà tụi tui lại dám vào”.
Theo: DL Onl