Vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm, khắp cả nước đều nô nức diễn ra các lễ hội để kỷ niệm ngày trọng đại của dân tộc. Thế nhưng, đâu mới là phần lễ quan trọng nhất và tại sao như vậy
Xem nhanh
Để kỷ niệm ngày giỗ tổ Hùng Vương, khắp cả nước đã diễn ra nhiều lễ hội đặc biệt trong đó là lễ hội đền Hùng được tổ chức tại Phong Châu - Phú Thọ. Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức từ ngày 29/3-7/4 (tức từ mùng 1-10/3 năm Ất Tỵ), quy mô cấp tỉnh với chuỗi hoạt động vui tươi, lành mạnh, gắn kết chặt chẽ với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ.
Trong những ngày này, các nghi lễ trang trọng được tổ chức khắp cả nước, nhưng trọng tâm vẫn là lễ dâng hương tại Đền Hùng (Phú Thọ) và nhiều di tích thờ Vua Hùng trên cả nước. Đây không chỉ là một hoạt động tín ngưỡng mà còn mang ý nghĩa kết nối tâm linh, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với tổ tiên.
Tại Đền Hùng, vào đúng 7h sáng ngày 10/3 âm lịch, đoàn người với đi đầu là nhân vật quan trọng nhất trong nhà nước có mặt tại buổi lễ hôm đó từ từ tiến lên các bậc đá để dâng hương.
..."Từ cổng chân núi tiến 225 bậc đá là tới đền Hạ và chùa Thiên Quang.Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá, đoàn tới đền Trung. Tương truyền, nơi đây để các Vua Hùng ngắm cảnh và bàn việc với các lạc hầu, lạc tướng. Hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy lên cho vua cha nhân dịp tết cổ truyền cũng ở đây. Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá sẽ đến đền Thượng. Nơi các Vua Hùng làm lễ tế Trời đất, thần Núi và thần Lúa. Thục Phán sau khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề ở đền Thượng để thề trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp Vua Hùng"... Theo baochinhphu.vn.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Từ xưa đến nay, ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã chiếm vị thế đặc biệt trong tâm thức của mỗi người Việt. 18 đời vua Hùng và truyền thuyết con rồng cháu tiên đã ăn sau vào từng lớp thế hệ của cha ông ta, mang lại nhiều điều tự hào cho người Việt.
Và để tỏ lòng thành kính nhất với những người đã có công khai phá mảnh đất này, dâng hương chính là hoạt động phù hợp nhất, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn - một truyền thống quý báu mà bao đời cha ông ta đã đổ máu xây nên.
Trong làn khói hương (nhang) và sự yên tĩnh. chúng ta cảm nhận sâu sắc sự trang nghiêm và một cảm giác bồi hồi khó tả. Điều này càng đặc biệt hơn trong ngày lễ trọng đại bậc nhất của một dân tộc, một đất nước. Thể hiện bản sắc văn hóa của một dân tộc 4000 năm văn hóa.
Lễ dâng hương quy tụ hàng vạn người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc, không phân biệt vùng miền, tầng lớp, địa vị xã hội. Tất cả cùng nhau thành tâm thắp nén hương thơm, dâng lên các bậc tiền nhân với lòng biết ơn sâu sắc. Giữa không gian linh thiêng của Đền Hùng, những làn khói hương tỏa lên bầu trời mang theo những lời nguyện cầu về một đất nước thái bình, nhân dân an lạc.
Hình ảnh mọi người đứng san sát bên nhau, trang nghiêm hướng về cội nguồn không chỉ thể hiện tinh thần dân tộc mà còn là sự kết nối bền chặt giữa các thế hệ người Việt. Đây chính là khoảnh khắc thiêng liêng nhất, khi mỗi con người cảm nhận sâu sắc về sự gắn kết của dân tộc, cùng nhau bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà tổ tiên đã để lại.
"Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"
Lời dạy của Bác Hồ vẫn còn đó, khi người dân Việt Nam cùng chung sức, chung lòng thì càng khiến cho khối đại đoàn kết dân tộc càng vững mạnh.
Người Việt tin rằng, nén nhang không chỉ là một nghi thức tâm linh mà còn là cầu nối giữa thế giới hiện tại và cõi linh thiêng. Khi thắp nén nhang trong ngày Giỗ Tổ, mỗi người không chỉ thể hiện lòng thành kính với các Vua Hùng mà còn gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống bình an, hạnh phúc và quốc thái dân an.
Làn khói hương lan tỏa mang theo lòng biết ơn của hậu thế, kết nối quá khứ với hiện tại, tạo nên một không gian linh thiêng, nơi mà mỗi người con đất Việt đều có thể cảm nhận sự hiện diện của tổ tiên. Đây không chỉ là một nghi lễ mang tính truyền thống mà còn là một cách để gìn giữ và truyền lại những giá trị văn hóa tốt đẹp cho các thế hệ mai sau.
Lễ dâng hương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một nghi thức trang trọng mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và sự gắn kết giữa các thế hệ người Việt Nam. Một nén nhang thơm không chỉ thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.