Vào dịp Rằm tháng 7, các gia đình thường chuẩn bị mâm cơm cúng để tưởng nhớ đến người thân và làm lễ cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát, không nơi nương tựa.
Xem nhanh
Rằm tháng 7 là ngày Tết Trung Nguyên, cũng là ngày xá tội vong nhân theo phong tục của các nước Á Đông.
Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam cho rằng, tháng 7 Âm lịch là thời điểm Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan (cửa địa ngục) để ma quỷ được tự do trở về dương thế.
Vì thế, tháng 7 âm lịch hằng năm vẫn được dân gian gọi là tháng cô hồn.
Ngoài ra, theo Phật giáo, Rằm tháng 7 còn gọi là lễ Vu Lan báo hiếu.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cường (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam), tháng 7 âm lịch ngoài lễ Vu Lan báo hiếu, còn có một lễ khác là Lễ Xá tội vong nhân để cúng cho linh hồn đang còn vất vưởng, không nơi nương tựa.
2 lễ này có nguồn gốc khác nhau, dù cùng được thực hiện vào Rằm tháng 7 hằng năm. Tuy nhiên, chúng đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn, đề cao việc tri ân, tưởng nhớ ông bà tổ tiên.
Ngày nay, do cuộc sống bận rộn, cúng Rằm tháng 7 không nhất thiết phải đúng ngày 15 âm lịch, mà có thể thực hiện từ 2-14.7 âm lịch.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cường, trong cuộc sống hiện nay, lễ Vu Lan còn được mở rộng ra để con cái hiếu thảo với cha mẹ ngay khi cha mẹ còn trên cõi đời này. Đây là điều rất nhân văn. Khi làm ăn xa, trong công việc hối hả của cuốc sống này đôi lúc chúng ta quên dành thời gian cho nhau, thì đây là dịp khiến mọi người nhớ về gia đình, nguồn cội.
“Trong ngày cúng Lễ Vu Lan (rằm tháng 7) bao giờ cũng phải cúng tổ tiên nhà mình. Người ta thường chuẩn bị đồ cúng “trên chay dưới mặn”. Tức là trên hoa quả, dưới là cỗ mặn. Các món được chuẩn bị tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, hoặc nấu các món ăn khi xưa ông bà tổ tiên của mình thích.
Nếu người nào là trưởng tộc, thì chỉ cúng xôi và thủ lợn, đuôi lợn và 9 bát xếp chồng lên nhau, 9 đôi đũa. Nếu không có lợn thì cúng gà.
Nếu là con trưởng trong nhà thì cúng 1 mâm cơm. Tùy tâm, có ít cúng ít, nhiều cùng nhiều, nhưng không thể thiếu là 7 cái bát chồng lên nhau.
Nếu không phải con trưởng thì cúng 1 mâm cơm gồm nhiều đồ ăn và 5 cái bát tượng trưng cho ngũ đại đồng đường. Các gia đình nhớ là phải xếp bát chồng lên nhau.
Nhiều Người Việt lâu nay thường lầm tưởng xếp 6 cái bát, để các cụ ngồi thành một mâm, thực ra không phải vậy. Số lượng bát cúng tùy thuộc vào việc bạn là con trưởng hay con thứ, tượng trưng cho các đời trong dòng tộc” – ông Cường giải thích.
Ngoài việc chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, ông Cường cũng cho rằng các gia đình nên mua một ít đồ cúng cô hồn.
“Vì quan niệm của dân gian, tháng 7 Âm lịch hàng năm là dịp Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan. Những ai có con cháu, các cụ sẽ được về ăn cỗ, còn những người không có con cháu, hoặc con cháu đi xa thì không được cúng kiếng.
Để cho mát mẻ, các gia đình thường chuẩn bị thêm mâm cúng chúng sinh, gồm có các lễ vật: Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc, các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu, đĩa gạo trộn lẫn với muối (đĩa này sẽ được rắc ra vỉa hè phía xa nhà), ngô, khoai lang luộc để cúng cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa” – nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Ông Cường cũng cho rằng, trong những ngày này, các gia đình không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhưng nên có: “Tôi không ủng hộ việc đốt nhiều vàng mã, cao nhất là 9 lễ tiền vàng và thấp nhất là 3 lễ, một bộ quần áo là được, để đổi lấy sự yên tâm, thanh thản trong tâm hồn”.
Theo laodong.vn