Xem nhanh
Nói đến thắp nhang là nói đến tâm linh, việc thắp nhang là cầu nối tâm linh đã trở thành nét văn hóa của dân tộc Việt Nam, qua nén nhang con cháu như gửi gắm tấm lòng thành kính đến ông bà tổ tiên.
Thắp nhang đã trở thành nét văn hóa của người Việt Nam ta bao đời nay, việc thắp nhang đã có từ 5700 năm trước, vào thế kỷ thứ 7 có một vị sư đã đem hương liệu nhang từ Ấn Độ về Trung Quốc, từ đó việc thắp nhang phát triển hưng thịnh ở Trung Quốc và lan sang các nước Á Đông như Nhật Bản, Việt Nam.
Nói đến thắp nhang là nói đến tâm linh, việc thắp nhang là cầu nối tâm linh đã trở thành nét văn hóa của dân tộc Việt Nam, qua nén nhang con cháu như gửi gắm tấm lòng thành kính đến ông bà tổ tiên. Tuy nhiên ngày nay việc thắp nhang có nhiều biến tướng, nhiều người hiểu sai về việc thắp nhang. Mỗi dịp lễ tết ở chùa có rất nhiều người đi lễ thắp cả bó nhang, họ nghĩ thắp càng nhiều nhang thì Phật mới chứng cho lòng thành, suy nghĩ này là không đúng. Là người Phật tử qua việc thắp nhang ta có cách nhìn thành đạo lý, nhìn thấy cái ý nghĩa của việc thắp nhang gọi là đạo lý thắp nhang.
Khi ta đốt nén nhang, hương thơm của nhang sẽ lan tỏa khắp nơi, điều này dạy ta đạo lý ta sống làm sao để đi đến đâu luôn mang niềm vui hạnh phúc cho người khác.
Khi ta thắp một nén nhang, cuộc đời ta cũng giống như một cây nhang, khi bắt đầu thắp nhang giống như ta mới sinh ra, hết một vòng nhang như hết một cuộc đời, hoặc một lý do nào đó làm cho cây nhang giữa chừng bị tắt không cháy được hết, cũng giống như con người ta vậy có người sống đến già nhưng có người bị chết yểu, điều đó dạy ta đạo lý vô thường của cuộc đời.
Khi ta thắp nhang ta phải thắp thẳng, hình ảnh cây nhang thẳng đứng tượng trưng cho người quân tử ngay thẳng, đứng đắn, chính tâm, thành ý, trước sau như một. Theo đạo Nho, người quân tử là người ‘Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất’ nghĩa là khi giàu sang không làm việc gì thái quá, khi nghèo khổ không thay tâm đổi tính và đứng trước sự uy vũ của cuộc đời không bị khuất phục. Có bốn loại cây tượng trưng cho người quân tử, đó là: Cây tùng, cây trúc, cây hoa cúc và cây hoa mai.
Cây hoa mai tượng trưng cho mùa xuân, mỗi mùa tết đến xuân về hoa mai nở rộ tuy nhiên để có những bông mai nở đẹp như vậy nó phải trải qua ba tháng chịu sương gió mùa đông do vậy cây mai thể hiện sự kiên nhẫn, chịu đựng, chấp nhận bền bỉ đó là đức tính của người quân tử. Cây tùng thì tượng trưng cho mùa đông, cây tùng có tán rộng, nó mọc ở những nơi đất đá khô cằn, giống như người quân tử mạnh mẽ kiên cường. Cây hoa cúc tượng trung cho mùa thu, mỗi bông hoa cúc dù cho có héo, tàn nhưng cánh hoa không bị rụng giống như người quân tử dù cho khó khăn vất vả nhưng không ngã quỵ, không thay lòng đổi dạ, trước sau như một. Cây trúc tượng trưng cho mùa hè, thân cây trúc bên trong rỗng ruột, thể hiện giống như người quân tử không chấp kẹt chi li những điều nhỏ nhặt, không để bụng tiểu nhân, những gì qua rồi thì cho qua.
Khi thắp nhang có khi ta thắp một cây, có khi ba cây hoặc năm cây. Thắp một cây là tượng trưng cho hương lòng, một nén nhang là một tấm lòng, cúng dường lên Đức Phật một nén nhang là cúng dường tấm lòng của mình. Còn thắp ba cây nhang theo nhà Phật là tượng trưng cho Tam bảo Phật – Pháp – Tăng, hoặc tượng trưng cho Giới – Định – Tuệ, còn theo dân gian ba nén nhang là tượng trưng cho số nhiều. Quan niệm dân gian thắp nhang theo con số lẻ 1.3.5.7.9, con số lẻ là số âm, là cho người thân đã khuất. Còn thắp 5 cây là tượng trưng cho ngũ phần hương: giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát giải thoát chi kiến hương.
Thắp nhang ta phải cầm cả hai tay, qua hành động thắp bằng hai tay thể hiện cái tâm thành của mình dâng lên cho Đức Phật, dân gian ta có câu “tâm thành Phật chứng”, quan trọng là ở tâm thành kính chứ không phải ở phẩm vật cúng. Ngoài ra hai tay còn biểu hiện cho con tim và khối óc của mình, con tim là lòng từ bi, khối óc là trí tuệ, khi ta thắp nhang lên Phật bằng hai tay thể hiện dâng lên Phật lòng thành kính bằng tất cả con tim và khối óc, từ bi và trí tuệ.
Khi ta đốt nén nhang, hương thơm của nhang sẽ lan tỏa khắp nơi, điều này dạy ta đạo lý ta sống làm sao để đi đến đâu luôn mang niềm vui hạnh phúc cho người khác. Đức Phật có dạy trong kinh Pháp cú:
“Hương của các loài hoa không bay ngược chiều gió
Hương của người đức hạnh ngược gió khắp tung bay”
Khi ta đốt nhang ta đốt ở đầu cây nhang trước rồi cắm vào lư hương, cái lư hương tượng trưng cho lò tâm của mình, điều này dạy ta đạo lý tâm mình làm chủ. Ta tạo nghiệp ở thân khẩu ý nhưng do tâm làm chủ và khi ta muốn chuyển nghiệp thì phải chuyển từ tâm. Đức Phật có dạy trong kinh pháp cú: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu tâm làm chủ tâm tạo tác. Đối với tâm ô nhiễm thì khổ não bước theo sau như xe chân vật kéo, nếu với tâm thanh tịnh thì an lạc bước theo sau như bóng không rời hình”.
Khi cây nhang cháy thì khói nhang bay lên còn tàn nhang thì rơi xuống, dạy ta đạo lý là người con Phật hãy sống sao cho mình lúc nào cũng thanh thoát, hướng thượng như khói nhang bay lên chứ đừng hướng hạ như tàn nhang rớt xuống. Thêm đạo lý nữa, khi ta thắp nhang ta thắp chính giữa lư hương điều này tượng trưng cho giáo lý trung đạo nghĩa là không kẹt bên này, không kẹt bên kia. Qua hình ảnh thắp cây nhang chính giữa dạy ta bài học phải sống tu tập biết đủ, không nên đòi hỏi quá một điều gì.
Qua hình ảnh thắp nhang hàng ngày tưởng đơn giản nhưng dạy ta rất nhiều đạo lý, để cho ta nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống, hình ảnh cây nhang cháy hết giống như cuộc đời ta cuối cùng cũng quay về tâm linh, cuộc sống hướng về tâm linh là hướng về con đường Phật pháp giác ngộ giải thoát khổ đau.
Trích Bài pháp Đạo Lý Thắp Nhang
Thích Thiện Huệ / phatgiao.org.vn