HỖ TRỢ

Bí ẩn trầm hương - Kỳ 2: “Thọ thiên địa chi khí...”

25/08/2020

Hương trầm bao hàm đủ 5 vị ngọt mặn chua cay đắng, phát ra hơn 170 mùi thơm có thể phân biệt được. Dùng một dụng cụ xông hương, cho vào một loại trầm thông thường, trong 24 giờ sẽ có 8 đợt phát hương, mỗi đợt là một phức hợp mùi vị với mùi chủ đạo khác nhau…

Xem nhanh

    Trầm hương sinh ra từ cây dó (cá biệt cây xương rồng cũng có thể cho ra trầm). Trong thiên nhiên có nhiều loài dó, nhưng theo ông Ưng Viên thì chỉ có cây dó bầu mới cho ra thứ trầm có thể chữa bệnh được.

    Trên thế giới, trầm tập trung chủ yếu ở 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia, Malaysia, trong đó trầm Việt Nam có dược lý tốt nhất, những nghiên cứu khoa học mới đây về trầm của các nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc cũng xác nhận trầm Việt Nam có nhiều hoạt chất mà trầm các nơi khác không có.

     

    Trầm Hương - 222


    Ông Ưng Viên còn lưu ý: Trầm hương và kỳ nam là khác nhau, không phải kỳ là cái lõi của trầm. Một cây dó có trầm dù lâu năm đến bao nhiêu cũng không nhất thiết có kỳ nam, ngược lại một cây dó có kỳ nam không nhất thiết có trầm bên cạnh. Chúng được tương tác bởi hai loài nấm khác nhau. Kỳ nam hiếm hơn nên mắc tiền hơn, nó quá mắc tiền vì từ lâu nó được con người sở hữu như một “linh vật”, nhưng giá trị chữa bệnh và ứng dụng trong đời sống của kỳ nam thì không bằng trầm.


    Tại Việt Nam, trầm tốt nhất tập trung ở vùng Phú Yên, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, đây chính là “quê hương” của trầm, loài người phát hiện ra trầm khởi thủy là từ vùng này. Trước đây, từ Việt Nam, trầm được dùng làm cống phẩm đưa sang Trung Quốc. Trong các cống phẩm, trầm hương là thứ quý nhất. Tất nhiên các thầy thuốc giỏi nhất được cống theo để “hướng dẫn cách sử dụng”. Và từ đây, trầm hương đã theo con đường tơ lụa sang Trung Cận Đông, Địa Trung Hải...

    “Thọ thiên địa chi khí, tẩy vũ trụ chi trược, giáng khí trừ đàm, thiện trị phế phủ, chỉ tả bổ dương, thị là thế thượng trân chi giả...”, đó là đoạn tóm tắt y lý của trầm hương trích trong sách gia truyền của cung đình nhà Nguyễn mà ông Ưng Viên đọc cho tôi nghe, tạm dịch: “Tích tụ khí thiêng của trời đất, tẩy trừ mọi thứ ô uế trong không gian, có tác dụng giáng khí trừ đàm, chữa các bệnh thuộc phế phủ, chữa các bệnh về tiêu hóa, bài tiết, thận và tim mạch (chỉ tả bổ dương - nghĩa rộng), chính là thứ trân quý nhất”.

     

    Hà Tĩnh: Về “thủ phủ” cây gió trầm xem lấy trầm hương | Báo Dân trí

    Trầm có thể được sử dụng trong cả ngàn bài thuốc khác nhau, nhưng trước hết hãy nói về “thọ thiên địa chi khí”.

    Ai cũng biết không phải cây dó bầu nào cũng có thể sinh ra trầm. Trong rừng tự nhiên từ 1.000 đến 1.500 cây mới có một cây có trầm và từ 10.000 đến 20.000 cây có trầm mới có một cây có kỳ nam.

    Khi cây dó bị một vết thương, vết thương đó phải đọng nước qua một mùa mưa, cây dó mới bắt đầu tiết ra chất nhựa xung quanh vết thương để tự vệ. Người ta thấy nhiều cây dó cho trầm chi chít những mắt trên thân cây, những mắt chi chít đó là vết tích do một loài côn trùng đục vào thân cây, dân gian gọi nó là con bọ xòe.

    Khi chất nhựa dần dần trở nên đậm đặc, lúc ấy những con kiến sẽ bò vào ăn chất nhựa này. Đó là một loài kiến cao cẳng, màu vàng hoặc màu đen.

    Chính những con kiến kia mang theo các phân tử trầm hương (một loài nấm) vào “cấy” trong lớp nhựa. Loài nấm này tương tác với các hoạt chất của lớp nhựa, dưới tác động của khí hậu bên ngoài và sự tương tác diễn ra trong một thời gian rất dài mới sinh ra trầm, tương tác càng lâu trầm càng có giá trị. Thông thường, cây dó phải có tuổi thọ hơn 50 năm mới có thể cho ra một thứ trầm có giá trị chữa bệnh.


    Về giống “kiến cao cẳng” mang phân tử trầm vào cây dó, ông Ưng Viên lưu ý không phải kiến cao cẳng nào cũng làm được điều này. Phải theo dõi rất nhiều năm mới phát hiện ra, chúng không bao giờ làm tổ trên những cây trầm. Đây là giống kiến rất quý về dược liệu, trứng của nó rang lên có thể chữa được chứng méo miệng, cấm khẩu (liệt dây thần kinh số 7, số 21). Trứng của giống kiến này không thiếu trong kho tàng dược liệu của ông Ưng Viên.

    Tôi hỏi xin ông một tấm hình về những con kiến đó, ông lắc đầu từ chối: “Tuyệt đối không nên đăng ảnh của nó lên trên báo, đăng lên là nó bị người ta tận diệt ngay. Người của tôi đi lấy trứng kiến, mỗi lần lấy không bao giờ quá 1/3 tổ trứng. Lấy tới 1/2 là nó tuyệt chủng rồi”. Ông Viên còn mô tả những đặc tính của loài kiến trên nhưng tôi không dám ghi ra đây vì cũng sợ chúng sẽ bị... tuyệt chủng.

    Quá trình hình thành trầm hương theo một “cơ chế” tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng thật ra là vô cùng kỳ bí. Cho nên người xưa nói “thọ thiên địa chi khí” là đúng nhất. Con người đã khẳng định hương trầm là “vua của các mùi hương”. Hàng ngàn năm nay trầm được xông trong các cung điện vua chúa, tại các lễ nghi thiêng liêng của các tôn giáo. Nó là “danh hương” trong các nghi lễ tôn giáo.

    Trong thiên nhiên có rất nhiều thực vật có tinh dầu phát hương ra không gian, nhưng chỉ có trầm là thứ mà nguồn phát ra hương không bao giờ cạn, từ lúc trong rừng núi cho đến khi đem ra chế tác, lưu giữ. Người ta phát hiện các mảnh trầm nằm dưới đáy các giếng cổ Chămpa, qua hàng ngàn năm mà khi lấy lên hương thơm vẫn còn nguyên vẹn. Ngày nay trầm còn được dùng làm chất định hương cho mỹ phẩm, nước hoa Chanel No.5 và các thứ nước hoa nổi tiếng khác trên thế giới không thể không có trầm hương.

    Hương trầm bao hàm đủ 5 vị ngọt mặn chua cay đắng, phát ra hơn 170 mùi thơm có thể phân biệt được (riêng kỳ nam có ít mùi hơn và không có vị ngọt). Dùng một dụng cụ xông hương, cho vào một loại trầm thông thường, trong 24 giờ sẽ có 8 đợt phát hương, mỗi đợt là một phức hợp mùi vị với mùi chủ đạo khác nhau, thay đổi theo thời gian, khi thì mùi hoa sen, khi thì mùi hoa hồng, khi thì vani, khi thì mùi gỗ thông, khi thì mùi xạ hương... Điều lạ lùng nữa là trong những thời điểm giống nhau mà tại địa điểm khác nhau mùi trầm hương cũng thay đổi.

    Điều này khoa học chưa đủ khả năng giải thích. Một nhóm nhà khoa học Nhật Bản đã thử làm khảo cứu phân biệt hương thơm của một số sesquiterpen carboxylic acid trong tinh dầu trầm và nhận thấy có khi chỉ vì vị trí của một dấu nối đôi như hai chất selina-3,11 và selina-4,11 dienal mà mùi hương rất khác nhau, chất thứ nhất có mùi gỗ, mùi hoa hòa với mùi khói, chất kia phảng phất hương bạc hà.

    Bốn chất đồng phân neopetasan, epineopetasan, dihydro karanon, ngoài vị trí các dấu nối đôi, còn khác nhau ở hướng các nhóm methyl cũng cho ra các mùi khác nhau (dẫn theo tiến sĩ Võ Quang Yến, Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Đà Nẵng 2008). Khoa học chỉ mới biết tới đó, còn vì sao lại có sự “biến tấu” như vậy thì khoa học đành chịu, ở đây vẫn là quá trình “thọ thiên địa chi khí”. (còn tiếp)

     

    Hoàng Hải Vân/ thanhnien.vn

     

    Bạn có thể tham khảo các sản phẩm từ trầm hương tại đây

     

     

    Có thể bạn quan tâm
    Top 3 mẫu đế cắm nhang trầm phổ biến nhất hiện nay

    Top 3 mẫu đế cắm nhang trầm phổ biến nhất hiện nay

    Thông thường khi nghĩ đến đến cắm trầm, chúng ta sẽ liên tưởng tới ngay hình ảnh bát...
    Một nén nhang (hương) trầm nguyên chất được làm ra như thế nào?

    Một nén nhang (hương) trầm nguyên chất được làm ra như thế nào?

    Nén nhang (hương) từ lâu đã trở thành linh vật linh thiêng trong văn hóa thờ cúng của...
    Tại sao ngoài Bắc gọi hương - trong Nam gọi nhang?

    Tại sao ngoài Bắc gọi hương - trong Nam gọi nhang?

    Dạo gần đây Nhang Xanh nhận được rất nhiều câu hỏi được gửi về liên quan...
    Thưởng hương trầm, ngâm thơ Kiều Truyện

    Thưởng hương trầm, ngâm thơ Kiều Truyện

    Giữa 3254 câu thơ bay bổng, hương (nhang) trầm được Nguyễn Du ưu ái nhắc đến...
    Nhang Trầm Hương Vân Mây: Sản phẩm mới cho người thưởng trầm

    Nhang Trầm Hương Vân Mây: Sản phẩm mới cho người thưởng trầm

    Trong cuộc sống hiện đại đầy hối hả, nhiều người tìm đến các sản phẩm nhang...
    Cúng cô hồn thắp nhang gì?

    Cúng cô hồn thắp nhang gì?

    Lễ cúng cô hồn thường được thực hiện vào ngày mùng 2 hoặc 16 âm hàng...