HỖ TRỢ

Khánh Hòa - Xứ Trầm Hương

25/08/2020

Trong nguồn tài nguyên rừng, trầm hương và kỳ nam (gọi tắt là trầm kỳ) là hai loại lâm đặc sản có giá trị kinh tế lớn nhất. Trầm hương và kỳ nam là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây gió bầu mọc hoang trong những cánh rừng già Trung bộ Việt Nam.

Xem nhanh

    Trong nguồn tài nguyên rừng, trầm hương và kỳ nam (gọi tắt là trầm kỳ) là hai loại lâm đặc sản có giá trị kinh tế lớn nhất. Trầm hương và kỳ nam là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây gió bầu mọc hoang trong những cánh rừng già Trung bộ Việt Nam.

    Cây gió có 2 loại: gió bầu (tên khoa học là Aquilaria agallocha) và gió gạch hay còn gọi là gió niệt (Aquilaria Malaccensis). Gió gạch cũng cho trầm nhưng mùi thơm nồng, hắc, có vị tanh và giá trị thấp. Chỉ có gió bầu mới cho ta trầm tốt và kỳ nam. Cây gió bầu cao từ 10m - 40m, vỏ xám, thân thẳng ít nhánh. Gió bầu là loài cây ưa ẩm, chịu bóng râm, thường phân bố trên độ cao từ 300 - 600m so với mặt biển. Không phải bất kỳ cây gió bầu nào cũng tạo thành trầm hương. Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào làm sáng tỏ một cách rốt ráo cơ chế hình thành trầm hương trong cây gió bầu. Về nguyên nhân tạo trầm kỳ của cây gió, có nhiều giả thuyết khác nhau.

    Từ thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý đôn (1726 - 1784) đã viết trong sách “Phủ biên tạp lục”: “Hương ấy là do ở ruột cây gió kết thành. Gió có ba loại: Gió lưỡi trâu thì thành khổ trầm, gió niệt thì thành trầm hương, gió bầu thì thành kỳ nam hương. Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân nhiều u bướu, thì biết ngay là có hương, chặt mổ để lấy”. Gần đây, khi trầm hương có giá trị xuất khẩu cao trên thị trường thế giới, đã có nhiều công trình khoa học đề cập đến hương liệu quý này. Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng trầm hương là một sản phẩm do bệnh lý cộng sinh với tế bào gỗ tạo thành. Dân đi điệu (đi tìm trầm) chuyên nghiệp cũng cho rằng muốn xác định cây gió bầu có trầm hay kỳ thì trước hết nhìn mặt bì (vỏ) cây gió đó. Mặt bì có dạng kết cấu như thế nào đó thì bên trong mới có trầm kỳ. Người ta nghiệm rằng, trên cây gió nơi nào có những chỗ lõm vào hoặc lồi ra mà da cây khô nứt, nổi lên những chấm màu tím, đỏ nâu là dấu hiệu có kỳ nam. Như vậy, mặt bì có thể là một lớp nấm cộng sinh ở vỏ cây báo hiệu bên trong thân cây đã có trầm kỳ.


    Sự hình thành trầm hương có liên quan chặt chẽ tới cấu trúc di truyền của loài, tuổi cây và một loạt các tiêu chí sinh thái khác như cường độ chiếu sáng, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, thành phần đất đai… Về nguyên lý, để cây gió tạo thành trầm phải có hai yếu tố:

    1- Chấn thương cơ giới mạnh, như bị mảnh bom đạn khi nổ găm vào thân cây, hoặc do con người dùng rìu, rựa chặt sâu vào thân cây, những lỗ hổng lớn do sâu bệnh đục khoét, hoặc những vị trí gãy cành, gãy ngọn do gió bão gây ra, hoặc những vị trí tỉa cành tự nhiên của cây.

    2- Tại những nơi chấn thương ấy, sau một thời gian dài từ 10 - 15 năm, dưới tác động mỗi ngày một ít của những chỉ tiêu sinh thái vừa kể trên, những bào tử sẵn có nằm trong không gian môi trường tác động vào vết thương gây ra những phản ứng hóa học bên trong cây gió và từ đó tạo thành trầm hương, tùy theo mức độ tác động mà cho ta trầm tốt hay xấu.

    Trong thực tế, không phải vết thương nào trên cây gió cũng tạo trầm, nhưng cách lý giải này xem ra có độ xác thực hơn cả, chẳng thế mà xưa nay những người đi điệu khi gặp những cây gió bầu chưa ăn trầm, đã biết tác động vào nó bằng cách chém vài nhát rìu sâu vào rễ, thân hoặc nhánh cây - là những nơi có nhiều khả năng tạo trầm - để tạo ra vết thương, với hy vọng sau đó một thời gian cây sẽ được tạo trầm.

    Người Việt đã biết tìm kiếm, khai thác và sử dụng trầm kỳ từ bao giờ, đến nay chưa tìm được tài liệu nào xác minh rõ, nhưng chắc chắn đã từ rất lâu đời. Sử sách còn ghi lại rằng trong số những đặc sản, báu vật mà Nhà nước phong kiến xâm lược phương Bắc trực tiếp vơ vét hoặc bắt dân ta cống nạp hàng năm, có trầm hương bên cạnh ngà voi, tê giác, ngọc trai, yến sào, chim sâm cầm… Sách “Thiên Nam dư hạ tập” (bộ từ điển bách khoa của người Việt ở thế kỷ XV) chép rằng hai nguồn Trà Đình, Ô Kim huyện Bồng Sơn; Thôn Nha Ca, nguồn Cầu Bông, huyện Phù Ly và huyện Tuy Viễn đều hàng năm cống kỳ nam hương, tức là thứ ấy.

    Hiện nay, việc phân loại trầm kỳ vẫn còn mang tính cảm quan, chưa có tiêu chuẩn nào đánh giá cho thật đúng phẩm cấp của từng loại. Dân gian thường chia trầm hương làm nhiều loại: Trầm kiến - có lỗ có hang do kiến đục làm tổ trước khi cây thành trầm; Trầm rễ - do rễ cây sinh ra; Trầm tốc - ở nơi thân cây sinh ra, miếng trầm đặc, không có lỗ; Trầm mắt tử - kết tạo trên nhánh cây. Trầm tốc có nhiều nhất và trên thị trường, chia ra làm nhiều thứ giá bán khác nhau: Tốc hoa màu vàng lạt, có những chấm lốm đốm như hoa; Tốc nước màu vàng lợt, chất ươn ướt và nặng; Tốc xám màu xam xám như tro; Tốc lọ nghẹ màu đen đen như bồ hóng và nặng; Tốc đá nặng và trông hình sắc như đá; Tốc ớt sắc vàng lợt, vị cay như ớt xiêm; Tốc hương sắc vàng lợt, hương đượm, thường bao quanh kỳ nam, cho nên có nhiều gân nhiều điểm kỳ nam lẫn vào. Trầm ít dùng làm thuốc, thường dùng để đốt lấy hương trong các dịp cúng tế, lễ lạc, giá trị thua kỳ nam nhưng thông dụng hơn. Hình dáng, màu sắc của một miếng trầm rất đa dạng, có khi là một miếng gỗ hình trụ hoặc hình chóp nón, có miếng màu nâu nhạt, miếng màu đen sẫm.

    Kỳ nam được phân biệt với trầm hương ở mùi thơm và lượng dầu kết tinh. Dầu ở kỳ nam kết tinh giống như sáp ong, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Dựa vào màu sắc, người ta chia kỳ nam thành 4 loại theo thứ tự giá trị: nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc. Kỳ bạch có màu trắng ngà, chất mềm và rất nhiều dầu; Kỳ thanh có màu xanh biếc, nhiều dầu thì mềm, ít dầu thì cứng; Kỳ huỳnh vàng như sáp ong, chất cứng và nặng, để lâu khô dầu trở nên nhẹ; Kỳ hắc có màu đen bóng. Theo kinh nghiệm dân gian, kỳ nam là vị thuốc quý dùng trị các chứng đau bụng kèm ói mửa, tiêu chảy rất hay (mài với nước hoặc ngâm rượu mà uống) hoặc dùng trong trường hợp người bị trúng gió, bất tỉnh, cấm khẩu (mài với nước cạy miệng đổ vào hoặc đốt xông vào lỗ mũi) hiệu nghiệm như thần. Phụ nữ có thai kỵ kỳ nam, không nên uống hoặc mang theo trong người, có khi bị sẩy thai. Hình tượng trầm hương và kỳ nam đã được các vua nhà Nguyễn cho khắc trên Cao đỉnh và Nhân đỉnh đặt trong Thế miếu của Hoàng thành Huế. Trầm kỳ không chỉ là nguồn dược liệu mà còn là hương liệu cho nhiều loại mỹ phẩm: xà phòng, nước hoa, dầu gội đầu…, là chất khử độc, khử trùng cho môi trường, làm chất ướp xác và là vật không thể thiếu trong các buổi lễ của nhiều tôn giáo. Mùi thơm của trầm xông lên tại các đình, chùa, đền, miếu tượng trưng cho sự tôn kính thiêng liêng. Vì vậy trầm hương và kỳ nam ngày càng có giá trị trên thị trường thế giới.

    Trước đây cây gió bầu mọc nhiều ở các vùng rừng núi của tỉnh Khánh Hòa. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần viết về thổ sản của tỉnh Khánh Hòa cũng ghi: “Vùng núi các huyện đều có kỳ nam, trầm hương. Dân xã An Thành huyện Tân Định hàng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam phải nạp thay bằng trầm hương”. Trầm Khánh Hòa tập trung nhiều ở rừng núi các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, trong đó nổi tiếng nhất là vùng Tu Bông, Vạn Giã (thuộc huyện Vạn Ninh) mà danh tiếng đã đi vào ca dao: “Cây quế thiên thai mọc ngoài khe đá, Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm…”. Xưa nay, trầm khai thác được ở Khánh Hòa phần lớn là trầm tốt và có nhiều kỳ nam. Hàng năm nhân dân địa phương tích cực khai thác bán cho Nhà nước để xuất khẩu. Giá xuất tại thời điểm 1989 (thời cực thịnh của nghề khai thác trầm kỳ) như sau: trầm hương loại 1 giá 1.050 USD/kg, loại 2 giá 900 USD/kg, loại 3 giá 700 USD/kg, loại 4 giá 410 UDS/kg; Kỳ nam loại 1: 2.000 USD/kg, loại 4 850 USD/kg. Do đó người ta đổ xô đi khai thác trầm hương, bỏ cả sản xuất. Tất cả những cây gió bầu, gió gạch từ lớn đến nhỏ đều bị chặt sạch để tìm trầm. Cây gió đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện nay, loại cây trên chỉ còn lại những cái gốc trơ trụi, mục nát. Tìm được một vài cây gió bầu con còn sót lại trong rừng thật vô cùng khó khăn, mà nếu có thì những cây gió non này dễ chừng phải đến bốn năm chục năm sau hoặc lâu hơn mới có lại trầm kỳ. Đối với loại cây quý hiếm và có giá trị kinh tế cao này, không thể trông chờ vào sự phát triển tự nhiên của rừng mà phải tìm cách gây trồng thuần hóa nó. Trầm hương là sản phẩm đặc biệt của cây gió bầu, nhưng nó không phải là sản phẩm tất yếu như ở các loại thực vật khác để rồi cứ đến mùa vụ là thu hoạch. Trầm hương sinh ra từ cây gió bầu, nhưng không phải bất cứ cây gió bầu nào cũng cho ta trầm hương, thậm chí theo lời những người đi điệu cho biết, có những khu rừng dày đặc cây gió bầu, nhiều cây đã lớn nhưng không một cây nào cho trầm. Bởi vậy, song song với việc gây trồng, thuần hóa, phải đầu tư nghiên cứu để tìm ra quy luật hình thành trầm hương cho cây gió bầu và rút ngắn chu kỳ tạo trầm, đem lại nhiều trầm tốt; Đồng thời phải thấy rằng chu kỳ sinh trưởng của cây gió rất dài, có thể đến hàng chục năm sau khi gây trồng. Vì vậy, việc nghiên cứu đòi hỏi phải có sự kế thừa của nhiều thế hệ cán bộ khoa học để có thể đưa sự nghiệp này đến kết quả.

    Mỗi xứ sở có một đặc sản tiêu biểu, đó là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Khánh Hòa đã từ lâu nổi tiếng là “xứ trầm hương”, nhưng nếu chúng ta không biết bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này, không chủ động đầu tư để gây trồng thuần hóa cây gió bầu ngay từ bây giờ, không tái tạo lại nó, thì e rằng niềm tự hào đó ngày mai đây sẽ chỉ còn là vang bóng.

     

    Theo baokhanhhoa.vn

     

    Có thể bạn quan tâm
    GIAN NAN

    GIAN NAN "NGẬM NGÃI" TÌM TRẦM

    “Phu trầm” có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua. Bởi, nó...
    Ý nghĩa số lần vái lạy trong văn hóa thờ cúng của người Việt

    Ý nghĩa số lần vái lạy trong văn hóa thờ cúng của người Việt

    Trong cuộc sống hàng ngày, dù đứng trước bàn thờ nhiều lần nhưng vẫn có không ít người không phân...
    Nhang trầm – Nét đẹp của văn hoá tâm linh người Việt

    Nhang trầm – Nét đẹp của văn hoá tâm linh người Việt

    Thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hoá truyền thống không thể thiếu...