HỖ TRỢ

Lên chùa thắp một nén nhang

25/08/2020

Kể từ khi ra đời cho đến nay đã hơn 2000 năm, Phật giáo nói chung có lúc thịnh, lúc suy theo từng bước thăng trầm lịch sử ngay cả trên đất nước sản sinh ra nó cũng như ở Việt Nam. Thế nhưng sức sống của Phật giáo cũng như những giáo lý nhà Phật về đau khổ và giải thoát nỗi khổ được thể hiện trong thuyết “Tứ diệu đế” hay những con đường diệt khổ “Bát chính đạo” sẽ còn sống mãi trong lòng những người dân Việt Nam nói riêng và Phật tử trên toàn thế giới nói chung. Các vị Bồ tát như Phổ Hiền, Văn Thù, Quán Thế Âm, Địa Tạng sẽ mãi mãi được tụng niệm khi con người cần một sức mạnh tâm linh để vượt qua hiểm nguy, đau khổ. Ông bà ta có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”; chính vì vậy, cứ Mùng một, ngày Rằm, các dịp lễ, Tết… nhiều người lại đến chùa để cầu an, cầu siêu.

Xem nhanh

    Mừng Đại lễ Phật Đản, nhiều Phật tử lại đến chùa để cầu mong thân tâm an bình. Người người vào chùa với bó nhang nghi ngút khói trên tay. Thế nhưng, việc đốt nhiều nhang có thật sự là tốt. Chúng tôi trình bày ý kiến xoay quanh vấn đề này.

    Kể từ khi ra đời cho đến nay đã hơn 2000 năm, Phật giáo nói chung có lúc thịnh, lúc suy theo từng bước thăng trầm lịch sử ngay cả trên đất nước sản sinh ra nó cũng như ở Việt Nam. Thế nhưng sức sống của Phật giáo cũng như những giáo lý nhà Phật về đau khổ và giải thoát nỗi khổ được thể hiện trong thuyết “Tứ diệu đế” hay những con đường diệt khổ “Bát chính đạo” sẽ còn sống mãi trong lòng những người dân Việt Nam nói riêng và Phật tử trên toàn thế giới nói chung. Các vị Bồ tát như Phổ Hiền, Văn Thù, Quán Thế Âm, Địa Tạng sẽ mãi mãi được tụng niệm khi con người cần một sức mạnh tâm linh để vượt qua hiểm nguy, đau khổ. Ông bà ta có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”; chính vì vậy, cứ Mùng một, ngày Rằm, các dịp lễ, Tết… nhiều người lại đến chùa để cầu an, cầu siêu.
    Có lần chúng tôi đi chùa cùng với một người bạn, vừa bước tới cổng chùa, thì hiện tượng đầu tiên diễn ra trước mắt là: người già có, trẻ em có, khoác áo ni cô cũng có, thanh niên trai tráng chạy ngay tới mời chào nhang và lễ cúng. Đúng là cái gì thị trường cần, thì sẽ có người đáp ứng ngay lập tức. Nhờ vậy, mà dân cư quanh đó cũng có miếng ăn miếng để, dịch vụ giữ xe, nước giải khát, hàng quán, bán đồ dâng Phật, xin ăn… cũng tấp nập không kém Phật tử.

    “Mua nhang đi anh!” Tôi ra hiệu là không mua, sau hai ba lần làm vậy họ mới buông tha, chứ trả lời không thì chưa đủ. Nhưng bất chợt câu nói của người bạn đánh thức tôi ngay lập tức: “Đi chùa mà không thắp nhang à?”

    Lòng tôn kính của người dân đối với Phật giáo thật đáng quý, họ nhận thức được rằng, lễ Phật là điều cần thiết, là cách để thể hiện lòng biết ơn của mình (ngay cả cầu được hay cầu không được). Dần dần, mua nhang như một trào lưu, trào lưu đến mức người này có, người kia không có, sợ như mình không được chứng giám, sợ như kẻ khác nhìn mình với con mắt coi khinh kẻ keo kiệt và nhang được bán như một vật phẩm đại trà. Chính vì vậy, việc đốt và cắm nhang xem như đại trà và dập nhang cũng trở thành một việc làm quá đỗi thường xuyên.

    Cứ thử rảo một vòng qua các chùa vào những ngày rằm, mùng một, nhất là các dịp lễ, Tết người ta ào ạt và chen chúc đi lễ, sẽ thấy một cảnh tượng chung là khói hương mù mịt. Nhang nhiều và vô tận. Vậy là từ đó, tự nhiên trong chùa, ngoài việc xuất hiện những câu đối, những câu chúc nhiều ý nghĩa, lại xuất hiện những câu tựa như: “Mỗi người chỉ một nén nhang vào lễ Phật”, hoặc “Không mang nhang vào Tam bảo”. Lạ thay, thiết nghĩ việc này không đáng phải nhắc nhở như thế, nhưng giờ lại chiếm giữ một vị trí dễ nhìn, dễ đọc trong khuôn viên chùa. Tuy nhiên, tình trạng này hình như không thấy thuyên giảm, mà có người còn lờ được thì lờ luôn. Tại chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng), chùa Bà (Bình Dương)… mặc dù, Ban tổ chức đã phải cử một người chuyên đứng nói loa để nhắc nhở Phật tử hạn chế thắp nhang nhưng khói hương vẫn bủa vây mọi nơi đến nỗi cứ dịp lễ lớn trong năm là những chùa này phải thuê cả “vệ sĩ chuyên nghiệp” để làm nhiệm vụ “lấy bớt nhang” và chỉ cho mỗi khách vào chính điện, vào Tam bảo mang theo ba nén nhang.

    Trước cổng lớn của nhiều chùa hiện nay dán nội quy nhắc thắp ít nhang là điều đầu tiên. Ngoài ra, còn treo những câu thơ khá hay rằng:
    Vào chùa thắp một nén hương
    Cũng đủ thấu đến mười phương phật đài.

    Thế nhưng, khói nhang không vì thế mà giảm bớt đến nỗi các chùa phải cắt cử người thường xuyên đi các bát nhang nhổ bớt nhang ra cho đỡ khói mà vẫn không đỡ, để rồi những nén nhang “vô tội” cứ bị nhổ ra khỏi bát nhang ngay cả khi nhang chưa kịp cháy. Như thế, liệu có ích gì từ việc cắm nhang này?

    Quay trở lại ý thức của người dân, cứ thử nghĩ, 2.000VNĐ/bó nhang giờ đây không phải là số tiền lớn đối với họ, nhất là đối với người ăn nên làm ra, thì tại sao lại không dám mua lễ Phật, nhưng hằng hà sa số người bước vào cổng chùa đều nghĩ vậy, thì ai là người gánh chịu những bất lợi từ việc thắp nhang “thái quá” gây ra như viêm mũi, viêm họng, chảy nước mắt, nhang châm vào quần áo của người khác… Mình làm, mình không chịu nổi, lại gián tiếp để người khác (là người trong chùa, người không mua nhang) chịu chung.

    Dẫu biết là họ đã bỏ vào thùng Phước Điền rồi, hoặc kể cả những người không có đủ khả năng bỏ, thì sao không đổi 2.000 VNĐ mua nhang bỏ thêm vào thùng hương quả đó, cũng tấm lòng như nhau. Người ngộ ra Phật pháp mới thật sự là người của Phật. Đừng nói 2.000VNĐ không bao nhiêu, rất lớn nữa là khác. Hãy thử làm một bài tính đơn giản, một người một bó nhang 2.000 VNĐ (chưa nói có người mua nhiều bó nhang), 10 người được 20.000 VNĐ, 100 người 200.000 VNĐ, lễ Tết số người đi chùa có dừng ở con số 100 không, sáng chiều, ngày này tháng nọ, thì coi như 2.000 VNĐ của mình đã góp một phần không nhỏ vào việc xây chùa, tô tượng – những việc làm thiết nghĩ là ý nghĩa hơn so với việc thắp nhang, cắm nhang và nhang lại bị nhổ đi khi khách vừa cắm.

    Cũng với 2.000VNĐ đó mua nhang, nhưng nếu thấy đang chuẩn bị bước vào một lò xông khói, thì hãy bỏ ý nghĩ bật diêm đốt nhang. Ngày Rằm, ngày lễ Tết, chùa phải dập những bó nhang chưa cháy được đỏ lửa, nhưng những ngày thường, thì các tăng ni trong chùa có khi phải nhịn ăn để mua nhang thắp Phật. Vậy thì xin hãy đốt ít nhang thôi và để phần còn lại cúng dường cho chùa. Hãy lặng lẽ, thành tâm khấn vái với một nén nhang hơn là cầm một bó thật to, khói mù mịt và len vào bằng được chánh điện để cắm nhang vào bát để rồi sau đó người ta lại phải rút đi để dập tắt.

    Cũng 2.000 VNĐ đó, không bỏ ra cũng là một ý nghĩ tốt. Người không mua nhang cũng có nhiều suy nghĩ khác nhau, nhưng theo chúng tôi, đáng tôn trọng nhất là người nghĩ được mình đang góp phần giảm bớt khói, giảm bớt nước mắt và xa hơn nữa là góp phần bảo vệ môi trường và phòng cháy cho nơi mà mình đang thành tâm khấn vái. Đừng nhìn họ với một nụ cười: “2.000VNĐ không dám bỏ ra thì còn cầu khấn gì nữa!” Thật ra, họ có thể đã đạt được một nhận thức tích cực. Được mấy người như họ thì chúng ta đã không phải “ho xù xụ”, “cảm động” rơi nước mắt vì khói khi đi chùa nữa. Tiếc thay, số người này đếm trên đầu ngón tay, nên mới có cảnh người ngập tràn trong khói, cũng lờ mờ, ngột ngạt, ồn ào như cuộc sống, không tìm ra cảnh thanh tịnh và trong lành ở nơi tôn nghiêm nữa. Nhìn những nén nhang vừa đụng vào chân của bình cắm, đã vội bị đè ngộp xuống nước và cho vào thùng rác chợt thấy lòng xót xa.

    Giờ hãy nói về những nén nhang được cắm vào bình. Cắm cho có, cắm vô hồn, ngả nghiêng thế nào thì mặc, miễn là mình đã hạ tay. Có ai từng một giây đứng lại, nhìn sự đổ nhào của những nén nhang chưa. Tất cả nhang như hội tụ ở phần phía trước, phía sau lác đác vài cây, rồi thẳng không được nữa thì nghiêng 30o, 45o thậm chí có những cây nghiêng gần như một góc vuông, rồi người sau không dám đến gần, né né, cầm ẹo bên này, lách bên kia, tiếp tục những pha phóng phi tiêu ở những góc độ đầy sáng tạo, có hay không trong lúc sáng tạo đó, một ngọn lửa của nén nhang tàn chích vào tay, rồi như điện giật rút tay lại (lầm bầm chửi, xem có sẹo không…); sau đó là tìm cách cắm nén nhang của mình cho bằng được, với sự cẩn thận và có kinh nghiệm hơn. Sao không biết cắm một nén nhang cho đàng hoàng, cho ngay ngắn để người đến sau còn chỗ để cắm, cũng cắm cho ngay ngắn. Xiên vẹo kiểu này, khổ mình, khổ cả cho người mang nó đi dập.

    Tiếp theo là hậu trường sáng tạo thứ hai, cầm cả bó nhang trên tay, lư hương thì nhiều, nhưng cũng không nhiều bằng số nhang có trong tay. Bỏ phần dư đi sao, lúc này lại tỏ ra rất tiết kiệm, rất tận dụng, cắm vào cả cỏ cây, bồn hoa, chậu kiểng hay bất cứ chỗ nào cắm được một cây nhang. Họ lại rất sảng khoái khi đằng sau hành động tiền trạm và thử thách đó của mình là hàng loạt người bắt chước, chỗ nào cũng phải có cho đủ. Nghịch lý chưa, lúc thì chỉ chăm chăm vào cho bằng được nơi to lớn nhất, đánh dấu đặt tên mình bằng nén nhang, có khi không đoái hoài tới những góc kẹt, bây giờ thì dư dả nhang nên chen vào tận hang cùng ngõ hẻm cho bằng được để cắm cho đầy, cho đủ, cho hết! Dần dà thấy được điều đó nên các chùa lại có những câu tương tự như: “Không cắm nhang vào bồn hoa”… nhưng hễ không có người đứng canh thì đâu đó lại xuất hiện một làn hương từ nhang bay ra, từ chính những nơi cấm đó. Các chú tiểu cũng không có cách gì ngăn nổi, chùa là nơi tăng ni tu hành, người đến có lòng, sao ta nỡ la trách họ, đành để lại vài chú tiểu trực chiến nơi đó, đợi khi nào khách cắm xong là lại mang đi dập. Chỉ còn cách này thôi, một mặt không mất lòng khách, mặt khác để họ nhìn ra đây là nơi không cắm nhang, cũng mong họ tiếc của mà ngừng tay. Tiếc thay vẫn chưa có gì thay đổi.

    Cuối cùng, chúng tôi chỉ muốn mượn bốn câu thơ được khắc tại chùa Từ Vân (Cam Ranh) để thay lời kết:
    Lên chùa thắp một nén hương
    Thành tâm khấn vái, mười phương độ trì
    Thắp nhiều nhang quá làm chi
    Khói đen ám tượng, lấy gì phước đây.

    GS.TS Cao Ngọc Lân

    ThS. Cao Vũ Minh Uyên

    Nguồn http://gscaongoclan.com

     

    Có thể bạn quan tâm
    5 đại kỵ khi bày mâm ngũ quả ngày Tết

    5 đại kỵ khi bày mâm ngũ quả ngày Tết

    Bày mâm ngũ quả ngày Tết nhớ tránh 5 đại kỵ sau để không gặp xui xẻo trong năm mới,...
    MƯỢN PHẬT MỘT LÀN HƯƠNG, TĨNH TÂM TRỪ PHIỀN NÃO

    MƯỢN PHẬT MỘT LÀN HƯƠNG, TĨNH TÂM TRỪ PHIỀN NÃO

    Mùi hương thơm nồng đã lay động linh tính của tâm trí, để điều hòa hơi thở, thông...
    Lễ Vu Lan báo hiếu – ngày lễ mang tính nhân văn

    Lễ Vu Lan báo hiếu – ngày lễ mang tính nhân văn

    Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình...
    Đại lễ Phật đản 2020 có nhiều điểm mới

    Đại lễ Phật đản 2020 có nhiều điểm mới

    Đại lễ Phật đản PL.2564 diễn ra lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Giáo hội...
    Nguyên tắc cơ bản để phân biệt loại hương tốt

    Nguyên tắc cơ bản để phân biệt loại hương tốt

    Ý nghĩa của hương trong Phật giáo Trung Quốc, có thể đề cập đến từ hai cấp độ là tu...
    Nghi thức tắm Phật

    Nghi thức tắm Phật

    Nguồn gốc của lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện đản sanh của Thái tử Tất-đạt-đa tại vườn Lâm-tỳ-ni.