Tết Thanh Minh, lễ tảo mộ là một trong những phong tục tâm linh quan trọng nhất đối với người Việt. Bên cạnh tảo mộ thì các gia đình cũng cần chuẩn bị lễ cúng tại nhà để thể hiện lòng tưởng nhớ tổ tiên. Dưới đây là nghi thức và văn khấn Tết Thanh Minh tại nhà đầy đủ nhất.
Xem nhanh
Nghi thức và văn khấn Tết Thanh Minh tại nhà
Tết Thanh Minh là một trong những ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam nhằm thể hiện lòng thành kính, biết ơn hướng về tổ tiên, nguồn cội. Một phong tục đặc trưng của ngày Thanh Minh là các gia đình sẽ đi tảo mộ, sửa sang, dọn dẹp, quét tước mộ phần người thân đã khuất và dâng lễ để bày tỏ lòng thành với Thần linh Thổ địa cai quản nghĩa trang cũng như với ông bà tổ tiên gia đình mình.
Sau khi tảo mộ, các gia đình sẽ trở về nhà, làm một mâm cúng để thắp hương lên tổ tiên, kính mời gia tiên, gia thần về nhà thụ hưởng, chứng giám cho lòng thành tưởng nhớ ơn đức bậc người đi trước của toàn thể con cháu.
Cách sắm lễ cúng Tết Thanh Minh tại nhà
Theo các chuyên gia phong thủy thì lễ cúng Thanh Minh tại gia có thể là lễ chay hoặc lễ mặn, đơn giản hoặc cầu kì tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và truyền thống của từng gia đình. Trên mâm cúng sẽ có một số lễ vật như hoa quả tươi, trầu cau, trà nước, vàng hương… Nếu cúng mặn thì sẽ có thêm bát canh măng, đĩa xào, đĩa thịt gà luộc (hoặc thịt mồi, giò lụa)…
Sau khi sắp lễ, đại diện gia chủ sẽ thắp hương, kính cẩn vái ba vái và thành tâm khấn theo mẫu văn khấn Tết Thanh Minh tại nhà dưới đây.
Văn khấn Tết Thanh Minh tại nhà chuẩn nhất
Nam mô A di Đà Phật (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương
Con lạy gia tiên tiền tổ, họ hàng nội ngoại hai bên gia tộc họ…
Con lạy bà tổ cô ông mãnh, ông bà, cô bé Đỏ, cậu bé Đỏ tại gia
Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Nay con giữ việc phụng thờ tên là…, tuổi…, sinh tại xã…, huyện…, tỉnh… cùng toàn gia, trước bàn thờ gia tiên cúi đầu bái lễ.
Kính mời thổ công Táo quân đồng lai cách cảm.
Kính dâng lễ bạc: trầu rượu, trà nước, vàng hương, hoa quả cùng phẩm vật lòng thành nhân dịp tiết Thanh Minh, kính mời hương hồn nội ngoại tổ tiên, kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em chứng giám và hưởng lễ.
Con thành tâm thành kính cúi xin gia tiên tiền tổ, bà tổ cô ông mãnh, ông bà… phù hộ độ trì, đề tâm xếp nếp, vuốt ve che chở cho đại gia đình con bình an, thịnh vượng, ba tháng mùa hè chín tháng mùa đông đều mát mẻ, tốt tươi. Điều lành mang lại, điều dữ mang đi cho công việc của gia đình con đều thuận buồn xuôi gió, gặp nhiều may mắn.
Chúng con kính dâng lễ bạc tâm thành, cúi xin gia tiên chứng minh chứng giám cho lòng thành của toàn thể gia quyến.
Nam mô A di Đà Phật (3 lần)
Các gia đình lưu ý khi cúng Thanh Minh tại nhà nên bày biện lễ vật cúng trước cửa, ngoài ban công và hướng về phía có phần mộ tổ tiên mà khấn vái.
Lưu ý rằng các gia đình cũng cần thắp hương, bày cỗ và khấn xin phép gia thần, gia tiên trước khi đi tảo mộ. Lễ vật không cần chuẩn bị cầu kì nhưng nếu có xách nặng cũng đừng thuê người ngoài mà các thành viên trong gia đình hãy cùng san sẻ công việc với nhau, điều đó mới thể hiện được lòng thành kính và trái tim hướng về tổ tiên của cả gia đình. Đó mới là ý nghĩa quan trọng nhất của ngày Tết Thanh Minh.
*Bài viết có tính chất tham khảo cho những người quan tâm.
Nguồn: vietnammoi.vn