Giữa 3254 câu thơ bay bổng, hương (nhang) trầm được Nguyễn Du ưu ái nhắc đến nhiều lần trong cuộc gặp gỡ giữa Kiều và Kim Trọng mà ít xuất hiện trọng những trường đoạn khác. Liệu đây chỉ là sự tình cờ, hay là ẩn ý của đại thi hào?
Xem nhanh
Từ buổi ban đầu khi Kim Trọng - Thuý Kiều gặp gỡ:
"Liền tay ngắm nghía biếng nằm,
Hãy còn thoang thoảng Hương Trầm chưa phai”.
Cho đến khi Kim Trọng đi tìm Thuý Kiều, bày tỏ lòng thương nhớ nàng:
"Có khi vắng vẻ thư phòng,
Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa.
Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ,
Trầm bay nhạt khói gió đưa lay rèm.
Dường như bên nóc trước thềm,
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng.
Bởi lòng tạc đá ghi vàng,
Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây" (1)
Và cuối cùng khi hai người thành tâm nguyện, trở về bên nhau:
"Phím đàn dìu dặt tay tiên,
Khói Trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.
Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên"
Đấy là chưa kể đến đoạn thơ nổi tiếng mà bao lần được đem vào phân tích trong chương trình văn học của Việt Nam, nói lên tiếng lòng của Kiều gửi cho Nga về mối lương duyên giữa mình và Kim Trọng, đoạn có viết:
“Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về…”
Lý do đầu tiên đó do sự quý hiếm của trầm hương, chúng ta ít nhiều đều biết trầm hương trước đây quý hiếm như thế nào và khó khăn ra sao để sở hữu được nó. Không chỉ tỏa hương thơm nhẹ nhàng mà còn mang trong mình sự trang trọng và thiêng liêng, tượng trưng cho sự thuần khiết và bền lâu.
Khi Nguyễn Du sử dụng hình ảnh "trầm hương" để mô tả mối tình này, ông không chỉ khắc họa vẻ đẹp thanh cao của tình yêu mà còn gửi gắm những cảm xúc trân trọng đối với sự gắn bó chân thành của đôi tình nhân.
Lý do thứ hai chính nằm ở trầm - mang một hương thơm cao quý khác hẳn với những mùi hương khác. Mối tình giữa Kiều và Kim Trọng được ví như hương trầm lan tỏa, nhẹ nhàng mà sâu sắc, gợi cảm giác êm đềm nhưng không kém phần mãnh liệt. Giống như trầm hương tỏa hương thơm lâu dài và càng đốt càng thơm, tình yêu của họ cũng bền bỉ, vững chãi dù gặp phải nhiều trắc trở và sóng gió.
Trong cảnh đêm trao duyên, hay những lần gặp gỡ đầu tiên của Kiều và Kim Trọng, hương trầm xuất hiện như một biểu tượng của sự thuần khiết và đậm sâu, khác biệt hẳn với những dục vọng tầm thường.
“Hữu xạ tự nhiên hương” - Đây có lẽ là lý do cuối cùng khiến mà người viết cho rằng hương trầm được sử dụng để khắc họa mối tình giữa Kiều và Kim Trọng. Tình yêu của họ không cần phải phô trương, giống như hương trầm tự nhiên lan tỏa - nhẹ nhàng, thuần khiết và sâu lắng, tự nó đã mang sức hút khó cưỡng, để lại ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc.
Chính vì phẩm chất thanh cao và sự chân thành không tì vết của mối tình này mà câu chuyện tình của họ đã được lưu truyền qua bao thế hệ, trở thành biểu tượng của một tình yêu lý tưởng vượt thời gian.
Đây cũng là điều đã khiến câu chuyện tình này trở thành một biểu tượng bền vững trong văn học Việt Nam.