Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm Lịch hằng năm, đây là một trong những ngày lễ Tết truyền thống của Việt Nam. Vào ngày này, các thành viên trong nhà sẽ được dịp sum họp đầm ấm và vui vẻ bên mâm cơm gia đình, dù là con cháu làm ăn ở xa cũng cố gắng thu xếp về nhà. Mâm cơm cúng kiếng Tết Đoan Ngọ hằng năm không thể thiếu bài văn khấn ngày mùng 5 tháng 5. Cùng Nhang Xanh tìm hiểu bài văn khấn Tết đoan ngọ chuẩn nhất qua bài viết bên dưới.
Xem nhanh
Hằng năm, nhiều địa phương trên khắp nước ta, cứ đến mùng 5 tháng 5 âm lịch lại tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Mùng Năm. Theo sách “Phong Thổ Ký” thì Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Sở dĩ Tết này gọi là Tết Đoan Ngọ, chính vì tháng 5 là lúc bắt đầu trời nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa. Theo quan niệm Đông phương thì phương Nam là chính ngọ, mà ngọ là ngôi dương cho nên Tết này gọi là Tết Đoan Dương. Ở Trung Hoa, họ gọi Tết Đoan Ngọ là Tết Trùng Ngũ vì là hai con số 5 gặp nhau, mùng 5 tháng 5.
Ngày xưa, lúc ban đầu, ngày Đoan Ngọ chỉ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng. Hơn nữa, giữa tiết hạ vì oi bức thường có bệnh thời khí nên người ta hay cúng lễ để cầu an. Về sau này, để thêm ý nghĩa, người ta lấy ngày đó làm ngày kỷ niệm Khuất Nguyên và các thầy thuốc, và cũng nhân ngày đó kỷ niệm hai chàng Lưu – Nguyễn vào núi Thiên Thai hái thuốc gặp Tiên.
Khuất Nguyên làm chức Tả Đồ nước Sở dưới triều vua Sở Hoài Vương bên Trung Hoa, có tài và liêm chính. Về sau ông bị nhà vua truất bỏ. Để tả nỗi oán than, ông có viết bài thơ Ly Tao nổi tiếng. Đến đời vua Tương Vương, ông còn bị đi đày vì nhà vua nghe theo lời bọn xu nịnh. Ông buồn nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm đó là ngày mùng 5 tháng 5. Được tin đó, nhà vua vô cùng hối hận và thương tiếc, người dân làm cỗ đem ra bờ sông cúng rồi ném xuống nước cho ông hưởng.
Còn Lưu Thần và Nguyễn Triệu là hai người đời nhà Hán, nhân ngày Tết Đoan Dương cùng rủ nhau vào núi hái thuốc, gặp hai tiên nữ kết duyên. Sau thời gian nửa năm sống nơi tiên cảnh với vợ tiên, hai người nhớ nhà đòi về. Giữ lại không được, hai tiên nữ đành đưa tiễn chồng về quê cũ. Vì thời gian ở tiên cảnh chỉ có nửa năm nhưng là mấy trăm năm ở cõi trần. Hai chàng thấy phong cảnh quê nhà đã khác xưa, người quen thì đã ra người thiên cổ, hai chàng bèn rủ nhau trở lại cõi tiên nhưng không được. Hai chàng ra đi mà không thấy trở về…
Tết Đoan Dương còn nhiều tục lưu truyền đến nay; sáng sớm cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn thì giết sâu bọ bằng cách uống rượu (hoà ít tam thần đơn) hoặc ăn rượu nếp. Trẻ em giết sâu bọ xong khi còn ngồi trên giường, rồi rửa mặt mũi, chân tay xong bắt đầu nhuộm móng tay móng chân, đeo chỉ ngũ sắc. Em gái đến độ tuổi xâu lỗ tai cũng chọn ngày này mà xâu. Vì là đoan ngọ nên lễ cúng gia tiên phải cúng vào giờ ngọ (buổi trưa). Tục hái thuốc mồng năm cũng bắt đầu từ giờ ngọ, đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư. Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể. Tuy vậy, nhân dân ta quen dùng thảo mộc chữa các chứng bệnh, biết phân biệt loại có độc, chẳng hạn lá ngón, cà độc dược, lá sắn... dẫu người nặng đầu óc mê tín cũng chẳng dám hái. Ngược lại, các cây cỏ chữa bệnh thông thường có tác dụng trừ phong ích khí thì hái nhiều hơn như ích mẫu, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi…
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, thuở xưa ở các làng xã có tế thần ở đình, đền, ở thôn, xóm thì cúng ở miếu. Tại gia đình thì sửa lễ cúng tổ tiên và cúng Thổ Công. Lễ cúng là phẩm vật toàn trái cây. Riêng các gia đình thầy thuốc còn có thêm lễ cúng Thánh sư. Sau lễ cúng Tết Đoan Ngọ là các tục lệ như tục giết sâu bọ, tục nhuộm móng chân, móng tay, tục tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc và giờ ngọ, tục treo ngải cứu để trừ tà,... Phần lớn các tục lệ trên này đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá mùi và tục đi hái lá thuốc. Nhiều địa phương ở ven sông, ven biển thay vì tắm nước lá mùi thì đúng giờ ngọ họ đi tắm sông, tắm biển, gọi là tắm mùng 5.
Ở một số nơi còn giữ tục tết thầy học, tết thầy lang trong dịp này để trả ơn sự dạy dỗ của thầy giáo và đền ơn cứu bệnh của thầy lang. Cũng như nhiều các lễ tiết khác, Tết Đoan Ngọ nguyên sơ từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam nhưng đến nước ta được biến đổi mang một hình thức và ý nghĩa văn hóa khác. Những tập tục trong lễ tết được xây dựng trên căn bản nhân nghĩa và đạo đức truyền thống. Những tục lễ tết thầy giáo, thầy thuốc, biếu tặng những người đã tri ân cho mình đã chứng tỏ rằng, lễ giáo của ta rất được tôn trọng và những ân sâu nghĩa trọng không bao giờ quên. Tết Đoan Ngọ ngày nay, qua mọi biến đổi của thời cuộc vẫn tồn tại trong nhân dân với ý nghĩa thiết thực và thiêng liêng của nó. Ăn Tết Đoan Ngọ, chúng ta cần tìm hiểu giá trị và tinh thần của ngày Tết này.
Xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài văn khấn Tết Đoan Ngọ chuẩn, theo GS. TS Cao Ngọc Lân
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần) Nam mô Tây phương cực lạc A di Đà Phật (3 lần)
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tỉnh (TP) ……… Huyện (quận) ………….. Xã/ Phường …………. Thôn (đường) ………….. Số nhà (ngõ) ………….. Hôm nay là ngày mùng 5 tháng 5 Âm Lịch Tín con tên là: Vợ/ chồng ………...…….. Con trai ………………..… Con gái …………………… (cùng toàn thể anh chị ruột dâu rể, em trai gái dâu rể, con cháu nội ngoại, toàn gia kính bái).
Hôm nay nhân ngày Tết Đoan Ngọ năm …… Kính cẩn sắm một lễ gồm: hoa, hương, đăng, trà, quả,... gọi là lễ mọn lòng thành, kính dâng lên: - Đông trù tư mệnh, Táo phủ thần quân, Bản gia tiên sự, Bản viên thổ công, liệt vị tôn thần………. - Trước linh tọa của các vị gia thần. - Trước linh vị tổ tiên ông bà nội ngoài, Bà cô, chú, bác, cậu, dì, tỷ muội và các vong linh phụ thờ theo tiên tổ.
Kính cẩn thưa rằng: Hạ thiên tiết thuộc Đoan Ngọ phục lâm Cung trần lễ số Nguyện giám đan thầm Chư tai tống khứ Bách phúc trùng lâm.
Cẩn cáo! |
Văn khấn ngày mùng 5 tháng 5 trích từ sách Tìm Hiểu Văn Hóa Tâm Linh Của Người Việt - GS. TS Cao Ngọc Lân
Nguồn hình: Internet