Xem nhanh
Với người Việt, trong gia đình (ngay cả người theo Công giáo) nhà nào cũng có ban thờ và trong ban thờ một linh vật không thể thiếu được. Đó là bát hương hay bát nhang dùng để cắm cây hương sau khi đã thắp. Tuy nhiên, việc bốc bát hương hay sắp đặt thế nào đâu phải ai cũng rõ.
1. Bát hương
Bát hương là một vật linh thiêng dùng thờ cúng trong gia đình, là biểu hiện Tâm linh trên ban thờ. Đó là nơi mỗi khi thắp hương tưởng niệm, cầu cúng hướng tới tổ tiên, các vị thần linh hay gửi lòng thành kính vào cõi vô hình rồi chủ nhân cắm nén hương vừa đốt vào. Trong gia đình tùy theo trách nhiệm là con trưởng, con thứ v.v... mà thờ phụng.
Việc bốc bát hương phải nhờ thầy, đó là thầy chùa (sư) hoặc pháp sư (người tu tại gia). Khi bốc bát hương các Thầy chú nguyện, thỉnh thần linh, vong linh về an nhập. Thực chất đây là việc cung cấp cho các vật thờ cúng một nguồn năng lượng ban đầu và sau này trong quá trình thờ cúng, năng lượng đó ngày một tăng trưởng khiến cho độ linh thiêng ngày càng cao.
Đây cũng tương tự như việc khai quang, điểm nhãn cho tượng mỗi khi đúc xong, việc này có tác dụng làm tăng linh khí của pho tượng và bát hương trước khi thờ cúng, nhằm không cho các vong linh hỗn tạp tá vào.
Theo dân gian chỉ sau khi hoàn thành công đoạn này thì việc mới biến một vật từ vô tri trở nên linh thiêng, bát nhang mới có các vị Thổ công, Thần linh, Gia tiên theo chứng minh cho thân chủ khi vái cúng và tạo được linh khí để có thể giúp đỡ, độ trì cho gia chủ.
3. Quy trình bốc bát hương
Bát hương vốn là vật vô tri (bằng sứ hay bằng đồng) chỉ sau khi thực hiện các thủ tục “bốc bát hương” thì bát hương đó mới có tác dụng là vật cắm nhang khi thờ cúng. Nếu bát hương không được bốc đúng cách cũng giống như nhà không chủ. Khi đó Thần, Phật, Tổ tiên giáng lâm độ trì thì ma quỷ cũng chen chân theo để quấy phá gia chủ.
Đầu tiên khi mua một bát hương về thì phải rửa qua nước muối rượu gừng có pha chút nước hoa hay thả vào mấy cánh hoa hồng cho thơm để làm sạch những phần hữu hình rồi phơi cho khô hay đem xông trầm hương. Nước đã dùng đổ ra trước sân hay vẩy chung quanh nhà, không đổ xuống cống.
Sau đó lót ở đáy bát hương một mảnh giấy trang kim vàng (vừa để lót, vừa phòng các đồ yểm trong bát không bị cháy theo khi bát hương “hoá”).
Bát hương đã được làm đúng pháp là bát hương có cốt: Cốt bát hương có bảy thứ báu (Thất bảo) như vàng, bạc, ngọc, mã não, san hô,... hay tối thiểu có ba thứ: vàng, bạc, ngọc được bọc bởi một tờ giấy tráng kim dùng bút đỏ đã được làm phép chú bút, chú giấy, chú mực ghi một số chữ (do sư ghi). Trong bát hương còn có tiền âm ("Ngũ Lộ Thần Tài"), tiền dương màu đỏ mệnh giá mang số 5 (sinh) được gấp thành các chiếc thuyền nhỏ xếp xung quanh khối cốt thất bảo.
Sau đó đổ tro đốt bằng rơm nếp (hay trấu) mà ngày nay thường có bán tại các hàng mã vào cho đầy (không nên dùng cát, làm ăn sẽ bị nặng nề, khó giàu sang), dùng trấu rất tốt bởi trấu bọc gạo là hạt ngọc của Trời, nó thanh sạch, cao quý.
Nhiều người còn dán ra ngoài bát hương ở chính diện, nơi in hình mặt trời có 2 con rồng chầu vào một mảnh giấy đỏ có viết chữ bằng mực Tàu tên của bát hương.
Sau cùng là đọc Kinh hay Chú Mật Tông, Tiên Gia tùy theo môn phái của nhà sư để an vị bát hương. Khi làm phép lần đầu, người bốc bát hương cắm cây chữ Thọ bằng đồng để thắp hương vòng; cắm 9 hay 3 cây nhang tùy bát của Phật hay các tầng khác.
Lúc an vị cần đặt bát hương ngay ngắn sao cho mặt nguyệt (lưỡng nghi) nằm trên trục vuông góc với bàn thờ và theo hướng bàn thờ và bát hương chính ở vị trí giữa (so với 2 cạnh bên bàn thờ).
Chỉ khi hoàn thành các công đoạn này thì bát hương mới chính thức được đưa vào sử dụng làm vật thờ cúng và mới có đủ linh lực.
Nguồn Sách Tìm Hiểu Văn Hóa Tâm Linh Của Người Việt – GS. TS Cao Ngọc Lân – NCS Cao Vũ Minh
Nguồn ảnh Internet